Skip to main content

Người đàn ông thanh lịch nói những điều đúng đắn

Người lịch sự trả lời thẳng thắn, đặc biệt đối với những câu hỏi gây tranh cãi. Tuy nhiên, thẳng thắn không đồng nghĩa với thô lỗ.
Người đàn ông thanh lịch nói những điều đúng đắn
Người lịch sự trả lời thẳng thắn, đặc biệt đối với những câu hỏi gây tranh cãi. Tuy nhiên, thẳng thắn không đồng nghĩa với thô lỗ.

Có một vài câu mà một người lịch lãm chắc chắn không bao giờ thốt ra:

“Làm sao hai bạn biết nhau?”

“Sao tôi lại nhớ ra tên bạn nhỉ?”

“Bạn không nhớ tôi phải không?”

“Bạn không phiền nếu cho tôi xem mác chứ?”

“Bạn định ăn hết chỗ đó sao?”

Một người lịch sự hiểu rằng “Làm ơn” và “Cảm ơn” vẫn là những từ kỳ diệu.

Người lịch sự trả lời thẳng thắn, đặc biệt đối với những câu hỏi gây tranh cãi. Tuy nhiên, thẳng thắn không đồng nghĩa với thô lỗ.

Người lịch sự không kể những câu chuyện đùa có thể gây cho người khác cảm giác bối rối, ngay cả khi người đó không có mặt ở đó.

Người lịch sự không sử dụng tiếng nước ngoài trong khi nói chuyện.

Người lịch sự không chửi thề khi có mặt phụ nữ, trẻ em hay người lớn tuổi.

Một người lịch sự luôn suy nghĩ trước khi nói.

Trừ khi đang dạy ngôn ngữ, người lịch sự không sửa lỗi ngữ pháp của người khác. Mặt khác, người lịch sự phải rất thận trọng đối với ngữ pháp của mình.

Một người lịch sự không nói những câu đùa liên quan đến phân biệt chủng tộc, giới tính hay miệt thị những người đồng tính, anh ta cũng không cười khi có ai nói những câu đùa cợt như vậy, ngay cả khi chỉ có một người khác nghe được.

Người lịch sự không bao giờ hỏi phụ nữ là liệu có phải cô đang mang bầu. Anh ta không bao giờ hỏi: “Cô đã sinh em bé chưa?”

Cách bắt đầu câu chuyện

Ở các bữa tiệc, buổi chiêu đãi hay họp mặt làm ăn, một người lịch lãm mở đầu một cuộc nói chuyện với bất cứ người dễ chịu nào anh ta gặp. Tuy nhiên để tránh sự lúng túng anh ta bắt đầu với những chủ đề tích cực và không gây tranh cãi. Anh ta có thể nói: “Bữa tiệc hôm nay rất ổn phải không?” hoặc “Charlie đã làm một việc tốt khi tổ chức cuộc gặp mặt này phải không?” Trong mọi tình huống, một người lịch lãm sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đặt ra những câu hỏi không liên quan đến anh ta. Nếu người đứng cạnh anh ta đáp lại nhiệt tình, anh sẽ tiếp tục thêm vài câu hỏi nữa cho tới khi cuộc trò chuyện thực sự bắt đầu. Người lịch lãm hiểu rằng, anh ta vẫn đang ở tình trạng thăm dò. Anh không bao giờ liều lĩnh chuyện trò về cái mà mình chưa chắc chắn, ít nhất là cho tới khi cuộc đối thoại thực sự bắt đầu, ví dụ như chê các món ăn nhạt nhẽo, hay nói về sự xuống dốc của công ty gần đây. Bất kể khi nào, sau khi anh ta đã buông ra những nhận xét kiểu như vậy, anh ta mới phát hiện mình đang nói chuyện với em gái của chủ nhà hay con trai của sếp. Những tình huống như vậy thật là nguy hại và gây bối rối cho tất cả mọi người và cần tuyệt đối tránh.

Người lịch sự không tạo ra những mối đe doạ không đâu trong tương lai.

Người lịch sự không khoe khoang khoác lác.

Người lịch sự không rên rỉ than vãn.

Người lịch sự biết dùng từ điển.

Người lịch sự chấp nhận một lời khen bằng cách nói: “Cảm ơn! Anh quá khen.” Khi một người bạn nói: “Jim, ca vát đẹp đấy!” người lịch sự không đáp lại bằng cách nói: “Cái này cũ rồi, tớ thực sự rất xấu hổ khi phải đeo nó tới đây!” Những lời nói như vậy chẳng khác nào ngụ ý rằng người đã khen bạn có một thị hiếu thẩm mỹ đáng nghi vấn.

Người lịch sự tránh xa những chủ đề có thể gây đau lòng người khác bất cứ khi nào có thể.

Khi nào dùng tên thân mật

Dù ngày nay người ta đã sử dụng tên thường gọi ở khắp nơi trên thế giới, một người lịch sự vẫn cẩn trọng khi gặp gỡ lần đầu tiên và nên gọi Ông, Bà, Cô (Mr/Ms) với những vị khách của mình. Anh ta dựa vào nguyên tắc cơ bản này đặc biệt nếu người mới quen nhiều tuổi hơn anh ta hoặc đang làm việc với cấp trên trong công ty mà anh đang làm việc. Dù sao, một khi bà Jones hay cô Jones đã nói: “Hãy gọi tôi là Mary,” người lịch sự sẽ chiều theo ý muốn của họ. Nếu không anh ta sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái.

Nói chung, nếu một người lịch sự thấy người khác cùng thế hệ với mình gọi mình là Ông Brown, anh ta tự khắc hiểu rằng người kia cũng muốn được gọi là Ông hoặc Bà. Anh ta không cố ép đối tác làm ăn phải cư xử như thể họ là bạn của anh ta.

Kết thúc một cuộc chuyện trò

Một người lịch sự để ý thấy mỗi cuộc chuyện trò đều có nhịp điệu riêng của nó. Nhưng dù cuộc trò chuyện có quan trọng hay thú vị đến mức nào cũng cần có một kết thúc hợp lý, đúng lúc. Và người lịch sự không hề thô lỗ hay khinh suất khi chủ động làm điều đó.

Khi nói chuyện điện thoại thì người bắt đầu câu chuyện sẽ có nhiệm vụ kết thúc nó. Khi đó là câu chuyện diễn ra trong công sở, người lịch sự đảm nhận vai trò người kết thúc. Trong mọi trường hợp, anh ta thẳng thắn nói rằng đã đến lúc kết thúc thảo luận, anh ta không cho phép cuộc nói chuyện rầy rà mãi trong tâm trạng không thoải mái. Trên điện thoại, anh ta có thể nói đơn giản: “Nói chuyện với anh rất thú vị, hy vọng chúng ta sớm có cơ hội gặp nhau.” Nếu trò chuyện trực tiếp, anh ta đứng dậy, cảm ơn người khách đã tiếp anh ta và bắt tay họ.

Ngay ở những tình huống giao tiếp rộng hơn như tiệc cocktail, người lịch sự có thể kết thúc cuộc chuyện trò một cách thanh lịch bằng câu nói: “Thật vinh hạnh được trò chuyện với ông, ông Grabbit.

Tôi muốn đi lấy thêm một ly khác. Ông có muốn cùng tôi ra quầy bar không?” Làm vậy, anh ta có cơ hội giới thiệu ông Grabbit với người khác. Nếu ông Grabbit từ chối đi cùng anh ta ra quầy bar, người lịch sự sẽ nói: “Nói chuyện với ông thật thú vị. Hy vọng lần sau lại được gặp gỡ trò chuyện với ông.”

Khi người lịch sự khởi đầu cuộc chuyện trò trên điện thoại, anh ta là người phải kết thúc cuộc chuyện trò đó.

Cách đáp lại lời nói xúc phạm

Khi người lịch sự là tâm điểm của một lời nói xúc phạm có chủ ý, dù công khai hay không công khai, phản ứng của anh ta rất đơn giản: vì anh ta là người lịch sự, anh ta sẽ không nói gì.

Cách nói xin lỗi

Mặc dù luôn cố gắng nghĩ đến người khác trong cư xử nhưng đôi khi người lịch lãm vẫn có thể mắc lỗi. Trong những trường hợp như vậy, anh ta nhận sai và cố gắng sửa chữa trước khi sự việc trở nên tồi tệ hơn.

Khi nói lời xin lỗi, người đàn ông lịch lãm sẽ thẳng thắn nói trực tiếp vào vấn đề. Nếu anh ta vô tình có lời nhận xét nào gây đau lòng cho người khác, anh ta có thể nói: “Sam à, tôi e rằng tôi đã nói điều gì rất thô lỗ với anh tối qua khi chơi bóng, chúng ta nói đùa về màu sắc cái áo sơ mi của anh. Tôi không có ý xúc phạm anh đâu.” Nếu chính là hành động của anh ta làm người khác cảm thấy không thoải mái, ví dụ anh ta có thể nói: “Tối hôm trước tôi huých vào anh làm rơi ly rượu, vâng, tôi thấy mình thật vô lý, cho tôi xin lỗi nhé.”

Khi xin lỗi, người lịch lãm không làm giảm nhẹ lỗi của mình cũng không cường điệu nó lên.

Người lịch lãm xin lỗi khi anh ta tin rằng mình đã xúc phạm tới người khác. Anh ta không nói những lời xin lỗi không thực lòng nếu thực sự anh ta không làm điều gì sai. Kiểu xin lỗi đó là một lời nói dối. Nó tự thân là một sự xúc phạm nhằm vào chính đối phương.

Người lịch sự biết cách làm cho lời xin lỗi giản dị, không phô trương.

Người lịch lãm vui lòng chấp nhận một lời xin lỗi chân thành. Anh ta không giả bộ như chưa từng có sự xúc phạm mà anh ta coi nó là chuyện đã qua.

Khi người lịch sự làm phiền người khác bằng cách đề nghị họ tránh đường để anh ta có thể di chuyển trong một căn phòng đông người, anh ta nói: Phiền ông/phiền bà (anh/chị..) chứ không bao giờ nói “Xin lỗi” vì chẳng có lý do gì phải xin lỗi cả. Thực tế thì một người lịch sự không bao giờ nói xin lỗi trừ khi anh ta lỡ xúc phạm ai đó.

Viết thư chia buồn

Viết thư chia buồn trước cái chết của một người anh ta biết, ngưỡng mộ hay kính trọng là việc làm hết sức đúng đắn. Người lịch sự có thể bày tỏ sự cảm thông của mình tới một người bạn mới mất đi người thân, thậm chí ngay cả khi anh ta chưa hề biết mặt người đã khuất.

Những câu nói đơn giản nhất là những câu có sức mạnh nhất. Người lịch sự có thể viết: “Tôi coi Harold như một người bạn đáng tin cậy và đáng quý. Tôi sẽ rất nhớ anh ấy.” Để an ủi một người bạn anh ta có thể viết: “Tôi biết sự ra đi của Harold là một mất mát rất lớn với bà, tôi thông cảm và chia sẻ với bà mọi khó khăn trong giai đoạn này.”

Một người lịch sự không bao giờ nói: “Hãy cho tôi biết tôi có thể làm gì để giúp bà,” và phó mặc cho người đang đau khổ kia chủ động yêu cầu giúp đỡ. Thay vào đó, anh ta chủ động đề nghị được chủ trì một bữa ăn gia đình, hay giúp đỡ những việc nhỏ trong nhà, hoặc trông nhà giúp khi cả gia đình đi vắng.

Người lịch sự có quan điểm rõ ràng nhưng anh ta suy nghĩ kỹ khi bày tỏ ý kiến của mình. Anh ta nhận thấy ý kiến của người khác cũng rất có lý. Anh ta chỉ tranh luận khi đó là vấn đề liên quan đến tính mạng con người.

Một người lịch sự không bao giờ tự nhận là đã xem một bộ phim anh ta chưa hề xem hay đã đọc một cuốn sách mà anh ta mới chỉ đọc lời nhận xét về nó. Anh ta biết cách trả lời: “Tôi chưa xem (đọc) bộ phim (cuốn sách) đó nhưng theo những gì tôi được biết thì nó rất thú vị. Vậy anh nghĩ sao?

Nếu đang trong tình trạng túng quẫn, người lịch sự không làm phiền người khác vì điều đó. Nếu có nhiều tiền, anh ta cũng không khoe khoang.

Ngay cả khi người khác trong phòng đang nói tiếng nước ngoài, một người lịch sự cũng nên thận trọng không nên bình phẩm về họ. Anh ta có thể không nói được tiếng Nga nhưng biết đâu người Nga ấy lại rất thành thạo tiếng Anh.

Trích trong Người đàn ông lịch lãm - Những Quy Tắc Vàng Trong Giao Tế Dành Cho Người Đàn Ông Thời Hiện Đại

Tác giả: John Bridges

Dịch giả: Hồng Vân